Khác với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, …người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây khá sớm, từ năm 1873. Tuy nhiên lễ hội chòa mừng năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những phong tục, nghi thức truyền thống điển hình của người phương Đông.

Chuẩn bị trước Tết

Để đón Tết người Nhật cũng giống nhiều quốc gia Á Đông khác, sẽ làm vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ vào những ngày cuối năm. Trước khi Tết đến, mọi nhà đều trang trí cây tùng (kadomatsu) trước cửa. Tương truyền rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây tùng này. Ngày xưa người ta thường dựng cây tùng vào ngày 13/12 là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Tết. Còn gần đây là ngày 27 hoặc 28 nhưng người ta tránh không dựng cây tùng vào ngày 29 và đêm giao thừa.

 

 

 

Đêm giao thừa trong lễ hội chào mừng năm mới của người Nhật Bản

Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Trái với người châu Âu và người Mỹ thường đón Giáng sinh cùng gia đình còn khi giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới, người Nhật lại thường đi chơi Giáng sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình.

 

Kết thúc bữa cơm tất niên, nhiều người sẽ đến các đền, chùa gần nhà để đón giao thừa. Trước khi đi lễ phải rửa tay, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Tại chùa, người Nhật sẽ tung những đồng xu (thường là đồng mệnh giá 500, 100, 50 và 10 yen) vào các hòm công đức lớn đặt ngay cửa. Sau đó, họ sẽ chắp tay cúi lạy 2 lễ, vỗ tay 2 lần trước khi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy thêm 1 lễ nữa.

 

Đúng thời khắc chuyển giao sang năm mới, chuông tại tất cả các đền, chùa trên toàn nước Nhật sẽ đồng loạt điểm 108 tiếng. Theo quan niệm xưa, tiếng chuông vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở. Tiếng chuông ngân nga đồng thời trên cả nước gửi đi thông điệp và lời cầu nguyện của tất cả mọi người cho một năm mới hạnh phúc, bình an.

 

Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa ở Nhật dành việc đánh chuông cho 108 người dân đến lễ chùa sớm nhất vào thời điểm đó. Được là 1 trong 108 người gióng lên hồi chuông báo hiệu sự chuyển giao là mong muốn của rất nhiều người Nhật vì đó là dấu hiệu may mắn đầu tiên ngay trước thềm năm mới.

 

 

Món ăn ngày Tết của người Nhật


Món ăn quan trọng nhất của năm mới là “món Tết”.  Các món ăn ngày tết đc gọi là osechi. Đó thường là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bang, trứng cá, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ… Người Nhật dùng những món ăn đơn giản nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng này để ăn tết là xuất phát từ tâm lý cầu ước vạn sự tốt lành.

 

 

 

 

Bánh Tết (hay còn gọi là ozoni) làm vào ngày 28 hoặc 30 Tết. Làm bánh trong ngày 29 bị cho rằng ắt phải ăn bánh khổ, nghĩa là quanh năm phải nếm trải khổ đau. Bánh Tết (ozoni) được nấu thành canh cùng với khoai sọ, rau xanh, cà rốt, đây là đồ cúng đồng thời cũng là đồ ăn cho mọi người với ý nghĩa được ăn đồ cúng là hưởng lộc thần linh và được thần linh phù hộ cho.

 

Trên đây là những đặc điểm chính của lễ hội chào mừng năm mới - Oshogatsu ở Nhật Bản mà bất cứ du học sinh nào cũng phải nắm vững để có thể hòa nhập một cách tốt nhất vào nền văn hóa của xứ sở mặt trời mọc.