Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp mong manh, thanh nhã của hoa anh đào hay sự hùng vĩ của núi Phú Sĩ quanh năm phủ tuyết trắng xóa, đất nước mặt trời mọc còn được biết đến bởi tinh thần Nhật, con người Nhật.Trong đó, không thể không nhắc đến tinh thần võ đạo bất khuất của những Samurai.

 

Nguồn gốc của Samurai – những kẻ dám tử vì nghĩa

Samurai là những chiến binh người Nhật được hình thành từ tầng lớp quý tộc quân sự là tầng lớp xã hội cao cấp nhất trong thời kì Edo (1603 – 1867). Samurai sử dụng rất nhiều các loại vũ khí như cung tên, giáo mác thậm chí cả súng, nhưng vũ khí chính và đặc trưng nhất là thanh trường kiếm trên tay.

 

Tầng lớp Samurai đã nổi bật từ những cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 3 bộ tộc chính: Minamoto, Fujiwara và Taira. Một số Samurai có liên hệ khá mật thiết với giai cấp thống trị – các Daimiyo. Theo tinh thần của các Samurai thì họ sẽ tuyệt đối trung thành với chủ và đổi lại họ được nhận đất đai và chức vụ. Các Daimyo tuyển dụng các Samurai để bảo vệ đất đai của họ và bành chướng thế lực.

 

Hai gia tộc mạnh nhất trong số những gia tộc địa chủ, Minamoto và Taira, cuối cùng cũng đã thách thức chính quyền trung ương và gây hấn lẫn nhau để giành quyền lực tối thượng trên cả nước. Minamoto Yoritomo đã giành chiến thắng và thành lập chính quyền quân đội mới năm 1192, dẫn đầu bởi các shogun hay chỉ huy quân đội tối cao.

 

Địa vị của các Samurai trong xã hội Nhật Bản

Trong thời kì hỗn loạn này, Nhật Bản bị chia rẽ thành nhiều quốc gia nhỏ thường xuyên gây hấn với nhau, vì vậy nhu cầu có các chiến binh rất cao, đó cũng là thời kì xuất hiện các ninja là các chiến binh chuyên về chiến tranh trái với tập tục.

 

Đất nước cuối cùng cũng thống nhất vào cuối những năm 1500, và một hệ thống tầng lớp xã hội cứng nhắc được thành lập vào thời Edo, khi đó các Samurai được đặt lên hàng đầu, kế tiếp là nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Trong thời gian này, Samurai buộc phải sống ở các thị trấn lâu đài, là những người duy nhất được phép sở hữu và mang kiếm, đồng thời cũng được Daimyo hay lãnh chúa cung cấp tiền bạc . Samurai vô chủ được gọi là ronin và gây ra nhiều rắc rối nhỏ trong những năm 1600.

 

Dấu chấm hết cho những Samurai trung thành, bất khuất

Năm 1876 Hoàng đế Meiji (Minh Trị) ban hành lệnh phế đạo, các Samurai mất hẳn quyền mang kiếm và nghề nghiệp của mình. Cũng từ đó vị trí đặc biệt của họ trong xã hội cũng biến mất sau gần 1000 năm tồn tại.

 

Mặc dù vị trí của Samurai đã không còn nữa kể từ khi bị phế đạo nhưng tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và trung thành tuyệt đối của các Samurai thì mãi mãi là những điều tốt đẹp còn mãi đối với người dân Nhật Bản. Nếu có dịp đến Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn bạn sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm.