Theo triết lý Thiền, thì con người là một tiểu vũ trụ nằm trong đại vũ trụ là thế giới tự nhiên. Cuộc sống của con người có rất nhiều điều chưa lý giải được nguyên nhân và bản chất. Để lý giải được những thắc mắc, con người phải hoà tâm trí mình vào tự nhiên – nói cách khác là để tiểu vũ trụ hoà vào đại vũ trụ – bằng cách tĩnh lặng tâm trí, không bị chi phối bới bên ngoài.

 

Các nhà sư thì dùng cách Tọa thiền nơi sơn dã, tĩnh lặng để thực hiện triết lý trên. Hoặc là xây dựng những phong cảnh hoang dã giả tạo nơi khuôn viên chùa để thực hiện việc toạ thiền. Còn người dân Nhật Bản đã thực hiện triết lý trên thông qua nhiều phương cách khác nhau, trong đó có việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật Bản.

 

Thời gian thực hiện nghi thức trà đạo:


Tại Nhật Bản, nghi thức Trà đạo được thực hiện bất cứ thời gian nào trong ngày, bởi vì ảnh hưởng Thiền nên yếu tố thời gian không là yếu tố quan trọng khi thực hiện nghi thức Trà đạo. Cái quan trọng chính là lúc các chủ thể cần có sự tập trung, có sự tĩnh lặng, thế là nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện.

 

Quá trình thực hiện nghi thức trà đạo:

 

Về quá trình thực hiện, thì quá trình pha trà của nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện từ từ, kéo dài thời gian. Việc lau chùi dụng cụ và pha trà chủ yếu là để các chủ thể khác tập trung vào nên cần có thời gian thực hiện lâu dài. Trong khi đó việc uống trà thì thực hiên rất nhanh chóng, nhất là lần uống cuối cùng trong ba lần uống trà phải thật nhanh và kêu thật to. Việc này phản ánh sự tập trung cao độ của các chủ thể, không còn chú ý xung quanh nữa.

 

 

 

Nghi thức pha trà đạo Nhật Bản

 

Trong khi đó quá trình pha trà thông thường thì ngược lại, rất nhanh. Nhưng quá trình uống trà lại kéo dài, vì ngoài trà, các chủ thể còn tập trung vào các đề tài bàn luận và ngắm cảnh vì vậy việc uống sẽ kéo dài, uống nhiều lượt.

 

 

Triết lý đích thực trong nghệ thuật trà đaọ:

 

Vậy thì ý nghĩa đích thực của “Trà đạo” trong văn hoá Nhật Bản phải được hiểu là “Hoà hợp con người với thiên nhiên qua thao tác pha và uống trà”. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, kính, thanh, tịch”.

 

“Hòa” có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.

 

“Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.

 

Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ “Thanh”.

 

Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ “Tịch”.

 

Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo.